Hạn mức tín dụng là một thuật ngữ khá quan trọng trong lĩnh vực tài chính, trước khi bạn mở thẻ tín dụng thì nên tìm hiểu hạn mức tín dụng là gì, cách để nâng hạn mức tín dụng. Bài viết này của nganhangthegioi.com sẽ giúp bạn tìm hiểu các vấn đề liên quan đến hạn mức tín dụng
Hạn mức tín dụng là gì
Hạn mức tín dụng (Credit Limit) là số tiền tối đa mà ngân hàng hay các tổ chức tín dụng cấp cho chủ thẻ tín dụng sử dụng dựa trên tình hình tài chính (thu nhập, lịch sử tín dụng…) của chủ thẻ. Nói một cách khác hạn mức tín dụng là số tiền tối đa mà bạn được sử dụng để mua sắm, vay mượn từ ngân hàng.
Quản lý tốt hạn mức tín dụng không những sẽ giúp bạn tránh các khoản nợ, lãi, phí phạt mà còn giúp các bạn có điểm tín dụng tốt để dễ dàng nâng hạn mức tín dụng sau này nếu có nhu cầu.
Khi ngân hàng mở thẻ tín dụng cho bạn họ sẽ cung cấp cho bạn thông tin về hạn mức tín dụng, mỗi loại thẻ khác nhau sẽ có hạn mức tín dụng khác nhau, nếu tình hình tài chính của bạn tốt thì khi mở thẻ sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao và ngược lại nếu nếu mức lương của bạn thấp, ngân hàng đâu có dại mà cấp hạn mức tín dụng cao cho bạn. Bạn có thể kiểm tra hạn mức tín dụng của thẻ bằng cách kiểm tra hóa đơn sao kê mà ngân hàng gửi cho bạn, hoặc đăng nhập vào tài khoản ngân hàng online hay đơn giản hơn là gọi trực tiếp cho ngân hàng nơi bạn mở thẻ tín dụng
Một ví dụ cho dễ hiểu: giả sử bạn đến ngân hàng A đăng ký làm thẻ tín dụng, sau khi xem xét điểm tín dụng, mức thu nhập, thời gian làm việc, mức độ ổn định của công việc, ngân hàng sẽ cấp cho bạn một hạn mức tín dụng là 20 triệu , điều này có nghĩa là bạn có quyền được vay ngân hàng để chi tiêu 20 triệu trong tháng (mức tối đa) mà không phải trả lãi trong thời gian được miễn lãi.
Hạn mức tín dụng bao nhiêu là đủ, cách xác định hạn mức tín dụng
Khi bạn đăng ký mở thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ cấp cho bạn một hạn mức tín dụng dựa trên các đánh giá về thu nhập, mức nợ hiện tại, tình hình công việc và lịch sử tín dụng. Nếu bạn chưa sử dụng thẻ tín dụng trước đây (chưa có lịch sử tín dụng), mức lương thấp hoặc có một khoản nợ cao, ngân hàng có thể từ chối cấp thẻ cho bạn hoặc có thể cấp thẻ với hạn mức tín dụng thấp. Sau này họ sẽ xem xét quá trình sử dụng của bạn, nếu ổn họ sẽ nâng hạn mức tín dụng lên. Ngân hàng bắt buộc phải làm việc này bởi thực chất của việc cấp thẻ tín dụng cũng giống như cho vay vốn ngắn hạn, ngân hàng cần xem xét liệu trường hợp của bạn có thể xảy ra rủi ro không để tránh trường hợp không thu hồi được nợ.
Thực tế rằng bạn không thể biết chính xác hạn mức tín dụng của bạn nếu như bạn chưa hoàn tất đăng ký cấp thẻ tín dụng tại ngân hàng. Mỗi ngân hàng lại có một quy định khác nhau về việc cấp hạn mức này. Sau khi đăng ký, các tư vấn viên sẽ tìm hiểu về tình hình tài chính của bạn sau đó sẽ đề xuất một loại thẻ tín dụng phù hợp với bạn, ứng với từng loại thẻ đó sẽ có hạn mức tín dụng cụ thể. Nếu thấy chưa hài lòng với hạn mức này, bạn có thể yêu cầu nâng hạn mức tín dụng lên hoặc giảm hạn mức tín dụng xuống. Việc giảm hạn mức tín dụng thì đơn giản hơn và có thể làm ngay, còn để tăng hạn mức tín dụng sẽ khó hơn, thông thường ngân hàng sẽ yêu cầu bạn dùng một thời gian ( thông thường là 1 năm) sau đó họ sẽ xem xét nâng lên cho bạn. Một số trường hợp, nếu bạn sử dụng thẻ tốt, thanh toán đầy đủ, ngân hàng sẽ tự động nâng hạn mức tín dụng cho bạn mà không cần bạn phải mở yêu cầu.
Thẻ tín dụng không giới hạn
Có thẻ tín dụng có hạn mức, vậy có thẻ tín dụng không giới hạn không, câu trả lời là có. Hiện tại, một số ngân hàng tại Việt Nam đã phát hành thẻ tín dụng hoàn toàn không có hạn mức tín dụng ví dụ như Sacombank với thẻ Visa Infinite. Đây là loại thẻ dành cho các khách hàng VIP, có mức thu nhập cao (khoảng 200 triệu/tháng), dĩ nhiên các đặc quyền dành cho chủ thẻ cũng cực kỳ tốt.
Bạn có thể sử dụng bao nhiêu trong hạn mức tín dụng?
Có thể bạn cho rằng đây là một câu hỏi ngớ ngẩn bởi vì đọc phía trên bạn đã biết hạn mức tín dụng là gì rồi mà. Nhưng chúng tôi đưa ra câu hỏi này không phải không có lý do. Về mặt kỹ thuật, dĩ nhiên bạn được sử dụng tối đa bằng với số tiền nằm trong giới hạn tín dụng của bạn, bạn không thể sử dụng thẻ vượt quá hạn mức mà ngân hàng đã cấp. Nếu chuyện này xảy ra, bạn có thể sẽ bị phạt. Bạn nên tham khảo thỏa thuận cung cấp, bảng phí sử dụng trước khi sử dụng thẻ để có kế hoạch chi tiêu hợp lý.
Ngoài ra để phục vụ mục đích nâng hạn mức tín dụng sau này, bạn cũng không nên chi tiêu quá gần với hạn mức của bạn, mặc dù không bị phạt nhưng nếu thường xuyên sử dụng đến cận hạn mức thì điểm tín dụng của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Các chuyên gia ngân hàng khuyến cáo bạn nên để lại khoảng 10-30% hạn mức của bạn để có được điểm tín dụng tốt nhất
Một số cách giúp bạn dễ dàng nâng hạn mức tín dụng
Điều đầu tiên bạn cần làm trước tiên là hãy tự hỏi bản thân tại sao bạn lại muốn tăng hạn mức tín dụng. Nếu việc đó chỉ để phục vụ mua sắm cho thỏa thích hoặc mua những thứ bạn không có khả năng chi trả, hãy dừng ngay. Bạn sẽ cần phải chứng minh cho bản thân và ngân hàng rằng bạn biết cách sử dụng hạn mức tín dụng của mình một cách có trách nhiệm để họ chấp thuận yêu cầu của bạn.
Điều đó có nghĩa là bạn phải sử dụng tốt thẻ tín dụng của mình, minh chứng cho ngân hàng thấy bạn là một khách hàng có trách nhiệm cao trong tối thiểu 6 tháng (ở Việt Nam thông thường là 1 năm). Nếu bạn hay chi tiêu vượt quá hạn mức, thanh toán nợ chậm hay thậm chí là không thanh toán thì cơ hội của bạn để nâng hạn mức sẽ rất thấp.
Vì vậy bạn nên có thể tham khảo các mẹo bên dưới để được ngân hàng nhanh chóng chấp nhận yêu cầu nâng hạn mức tín dụng lên.
-
Đăng ký thẻ tín dụng mới với hạn mức cao hơn
- Nhiều khi đây là cách đơn giản nhất để nâng hạn mức , bạn có thể tìm kiếm 1 ngân hàng khác “dễ chịu” hơn trong việc xem xét, để được nâng hạn mức tín dụng
-
Chọn 1 thẻ tín dụng có sẵn với lịch sử thanh toán tốt để yêu cầu nâng hạn mức tín dụng
- Bạn không nên nghĩ rằng sẽ dễ được nâng hạn mức lên nếu như cứ yêu cầu càng nhiều ngân hàng càng tốt. Tốt nhất bạn nên lựa chọn thẻ nào mình thanh toán đầy đủ, lịch sử tín dụng tốt để mở yêu cầu nâng hạn.
-
Trình bày yêu cầu nâng hạn một cách hợp lý
- Ngân hàng thích những người không túng thiếu để xem xét cấp thẻ tín dụng, nếu bạn nói với nhân viên ngân hàng là nguyên nhân mình cần thẻ tín dụng là do mình đang thiếu tiền cần mở thẻ để vay tiêu dùng thì khả năng bạn bị từ chối là cực kỳ cao. Thay vì trình bày tại sao mình cần nâng hạn mức tín dụng thì bạn nên nói cho ngân hàng biết tại sao họ nên nâng hạn cho bạn: tôi luôn thanh toán nợ đúng hạn, chi tiêu không bao giờ quá hạn mức, tôi mới được tăng lương…
-
Đừng yêu cầu nâng hạn quá cao
- Việc yêu cầu nâng hạn mức quá cao bạn cũng sẽ không được dễ dàng được chấp nhận. Theo các chuyên gia tài chính, mức yêu cầu tăng vào khoảng 10-25% là hợp lý nhất
-
Cứ để ngân hàng từ tăng hạn mức tín dụng
- Ngân hàng tự động xem xét tài khoản, lịch sử tín dụng của bạn theo định kỳ, vì vậy bạn cứ sử dụng thẻ một cách hợp lý nhất: trả tiền đúng hạn, thanh toán toàn bộ dư nợ, không chi tiêu quá mức… như thế bạn sẽ tự động được ngân hàng nâng hạn mức. Vậy thôi.
Thông qua bài viết này nganhangthegioi.com đã cho các bạn hiểu được khái niệm hạn mức tín dụng là gì, cách sử dụng tốt hạn mức tín dụng cũng như cách yêu cầu nâng hạn mức tín dụng. Hy vọng các bạn sẽ sử dụng tốt thẻ tín dụng của mình và sớm được nâng hạng cao hơn.
Xin cảm ơn